Chắc hẳn các bạn từng nghe ông bà ta nói câu: "Trên đời có 4 cái ngu, làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu". Hoặc một số người thì đọc thành "Ở đời có 4 cái ngu, làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu." Bạn có biết ý nghĩa của câu thành ngữ này không? Làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu" nghĩa là gì?
Chúng ta hãy cùng giải thích 4 cụm từ này nhé.
1. Làm mai
Thời xưa, xưa ơi là xưa, ông bà ta không tìm hiểu, quen biết yêu đương như hiện nay. Họ đến với nhau chủ yếu qua mai mối. Nếu 2 người nên vợ, thành chồng, sống với nhau hoà thuận, răng long tóc bạc hầu như chẳng ai nhớ ơn người làm mai. Còn ngược lại, nếu đổ vỡ, ly dị, không hạnh phúc, họ thường quay về trách người mai mối.
2. Lãnh nợ
Lãnh nợ tức là đứng ra vay tiền, mượn tiền giùm người khác. Hoặc có thể đứng tên mình để đi vay tiền ngân hàng cho người khác. Đến khi người kia không trả nổi thì anh sẽ lãnh đủ.
3. Gác cu
Đây là từ làm nhiều người thắc mắc nhất? Gác cu là làm gì? Cu tức là con chim cu gáy đó. (Cứ thấy từ này thì chắc nhiều ông sẽ nghĩ linh tinh). Những người đi bẫy chim thường được gọi là gác cu. Họ sẽ dùng một con chim cu trống nhốt trong lồng để dụ những con chim khác bay đến. Nhiều khi ngồi cả ngày, phải chịu kiến cắn, muỗi đốt cũng chẳng bắt được con chim nào.
4. Cầm chầu
Hát ả đào hay còn gọi là hát ca trù. Đào hát thời xưa được gọi là ả đào, ngày nay gọi là Ca nương. Một số địa phương ở Bắc vẫn duy trì loại hình nghệ thuật này, và chúng ta cũng từng nghe đến tên Ca nương Kiều Anh, cô này là thế hệ thứ 7 trong một gia đình có truyền thống về ca trù, được cha mẹ hướng đến âm nhạc truyền thống từ nhỏ.
Người đánh trống trong hát ả đào được gọi là cầm chầu. Họ phải đánh theo nhịp câu hát của ả đào, nếu đánh sai thường bị chê trách. Ngược lại, đánh hay, đánh giỏi, người ta chỉ khen ả đào chứ chẳng ai nhớ đến người đánh trống.
Vậy bạn đã hiểu được ý nghĩa của 4 cụm từ "Làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu". Ý nghĩa của câu này nói đến 4 công việc mà trong xã hội ít ai thích làm.
إرسال تعليق